10 lỗi đàm phán lương khiến bạn mất ưu thế khi tìm việc

Nếu nhà tuyển dụng nhất quyết không lay chuyển về mức lương, bạn có thể đề nghị họ cho bạn những phúc lợi khác thay vì tăng mức lương đề nghị. Ví dụ: lương

Người Việt Nam nói chung vẫn còn có tư duy khép kín về vấn đề lương bổng, do đó đàm phán lương là một trong những việc mà các ứng viên đang làm kém nhất. Vì sao hai ứng viên giỏi như nhau nhưng một người thì lương tăng vùn vụt mỗi khi chuyển việc, còn một người lại chỉ thấy mức lương ì ạch tiến lên từng bước chậm rãi? Tất cả phụ thuộc ở khả năng đàm phán lương. VietnamWorks HR Insider tổng hợp các lỗi đàm phán lương cơ bản khiến các ứng viên mất quyền lợi ngay trước khi được nhận vào làm việc.

1. Chia sẻ quá nhiều thông tin

Đừng mang tư tưởng cũ xưa là mình đang đi “xin việc”. Hãy xem bất cứ cuộc phỏng vấn tìm việc nào cũng là cuộc đối thoại bình đẳng giữa bạn và nhà tuyển dụng để chuẩn bị cho sự hợp tác lâu dài. Đừng bao giờ cảm thấy áp lực phải chia sẻ tất cả thông tin mà nhà tuyển dụng hỏi, đặc biệt khi các thông tin này có thể ảnh hưởng đến khả năng đàm phán lương sau này của bạn. Các câu hỏi dạng như: “Mức lương hiện tại của bạn là bao nhiêu?”, “Mức lương bạn mong muốn là bao nhiêu?”, “Mức lương thấp nhất bạn chấp nhận là bao nhiêu?” đều là những câu hỏi bạn có thể từ chối trả lời cho đến khi nhà tuyển dụng đưa ra mức lương đề nghị của họ. Thậm chí những thông tin cá nhân như tuổi tác cũng có thể không cần phải tiết lộ cho nhà tuyển dụng nếu bạn cảm thấy họ có thể dựa vào đó để đề nghị mức lương thấp hơn cho bạn. Hãy nhớ rằng lúc nào bạn cũng có thể chia sẻ thông tin và suy nghĩ của bản thân cho nhà tuyển dụng, nhưng một khi đã chia sẻ thì bạn không thể nào rút lại được lời nói của mình.

2. Than vãn

Không than vãn khi đàm phán lương! Bạn cần phải trả tiền nhà trọ, tiền di chuyển do nhà bạn ở xa công ty, hay bạn phải thường xuyên tiêu tốn tiền viện phí cho một căn bệnh mãn tính – tất cả những điều này không liên quan gì đến quá trình đàm phán lương. Đừng than vãn về những điều khó khăn trong cuộc sống và mong rằng nhà tuyển dụng sẽ cho bạn một mức lương cao hơn.

3. Đặt ra những yêu cầu cụ thể về con số

“Tôi muốn mức lương ít nhất phải là 10 triệu”, hay “Tôi từng được công ty cũ trả lương 20 triệu, vì thế nên…” là những yêu cầu rất cụ thể khi đàm phán lương. Tuy nhiên, đây là cách “trả giá” không được khuyên dùng, đặc biệt khi bạn đang đàm phán lương cho các vị trí cấp cao. Bất cứ con số nào được nói ra trước sẽ là một bất lợi cho bên nói ra, do đó hãy luôn yêu cầu nhà tuyển dụng đưa ra trước mức lương họ dành cho vị trí đang tuyển dụng, rồi sau đó bạn hãy “mặc cả” trên cái giá nhà tuyển dụng đưa ra.

4. Thiếu kiên nhẫn

Một trong những điều quan trọng nhất trong đàm phán lương, cũng như bất cứ cuộc đàm phán nào khác, là sự kiên nhẫn. Hãy né tránh khi nhà tuyển dụng muốn bạn đưa ra “mức giá sàn” trước, và hãy tỏ ra rất chậm trong việc trả lời những yêu cầu đưa ra mức lương cụ thể. Hãy chờ đợi cho họ “ra giá” trước, bạn sẽ ở thế chủ động hơn.

5. Không nghiên cứu kỹ

Công việc bạn đang ứng tuyển có mức lương trung bình bao nhiêu trên thị trường? Nếu không trả lời câu hỏi này được nghĩa là bạn đã đánh mất đi một “át chủ bài” trong quá trình đàm phán lương. Hãy tìm hiểu kĩ về mặt bằng chung của thị trường rồi hãy bước vào phòng đàm phán lương, nếu không sẽ xảy ra 2 trường hợp: hoặc là bạn đàm phán quá thấp đến nỗi nhà tuyển dụng xem thường bạn, hoặc là đàm phán quá cao đến nỗi nhà tuyển dụng sẽ nghĩ bạn là kẻ hách dịch, khó có thể hòa hợp vào môi trường làm việc của công ty. Nghiên cứu trước là điều cần thiết phải làm trước khi đàm phán lương.

6. Không hiểu rõ giá trị bản thân

Với kĩ năng digital marketing 2 năm kinh nghiệm của bạn thì mức lương tạm ổn là bao nhiêu? Đây cũng là điều bạn cần phải biết bởi nó xác định “giá trị” của bạn trên thị trường. Nếu kĩ năng của bạn quá phổ biến, ai cũng có thể thay thế và làm tốt như bạn thì hiển nhiên, bạn sẽ khó đàm phán mức lương cao. Nhưng nếu bạn thực sự giỏi, tài năng của bạn đang được săn đón, thì việc “hét giá” cao sẽ chẳng phải là vấn đề gì.

7. Không quan tâm đến mức tăng lương

Đừng tưởng rằng mức lương thỏa thuận ban đầu thấp hơn mức bạn mong muốn đã là thất bại. Hãy chú ý đến việc công ty đó có chính sách tăng lương nhân viên nhanh hay chậm. Tìm hiểu từ chính những người đang làm trong công ty đó để có được thông tin chính xác nhất trước khi ra quyết định chấp nhận một mức lương khởi đầu chưa hoàn toàn làm bạn hài lòng.

8. “Bao nhiêu tiền thì đủ sống?”

Nhiều người vì mong muốn có một công việc ngay mà có thể chấp nhận những mức lương chi trả không đủ cho cuộc sống. Hãy tự hỏi bản thân xem nếu bạn cống hiến hầu hết thời gian cho công việc đó, nhưng cuối tháng thì tiền lương chẳng đủ sống hoặc chỉ vừa đủ chi trả các khoản chi tiêu, thì liệu bạn có động lực gắn bó làm việc lâu dài hay không?

9. Lương – hoặc những phúc lợi khác

Nếu nhà tuyển dụng nhất quyết không lay chuyển về mức lương, bạn có thể đề nghị họ cho bạn những phúc lợi khác thay vì tăng mức lương đề nghị. Ví dụ: lương 10 triệu và 12 ngày nghỉ phép là mức mà bạn không chấp nhận, thì bạn có thể đề nghị cho bạn mức 10 triệu nhưng với 20 ngày nghỉ phép mỗi năm chẳng hạn.

10. Đồng ý quá nhanh

Đây là lỗi hiển nhiên mà ít người nhận ra nhất. Đừng bao giờ nhận lời ngay khi được nhà tuyển dụng đưa ra một mức lương nào đó. Hãy suy nghĩ thật kĩ, cân nhắc tất cả những điều kể trên để xem mức lương đó đã thực sự là mức lương tối đa – giá trị tối đa mà công việc đó mang lại so với những gì bạn sẽ cống hiến hay chưa. Khi đã hoàn toàn tin tưởng rằng mình đang trao đổi công sức và nhiệt huyết để nhận lấy những lợi ích về lương và phúc lợi xứng đáng, lúc đó hãy đồng ý nhận việc cũng chưa muộn. Khi nhà tuyển dụng cảm thấy bạn phù hợp với công việc, chắc chắn họ sẽ chờ đợi quyết định của bạn, chứ không dễ dàng tìm ứng viên khác.

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *